Ngày 2.5, Sở Tư pháp Bình Thuận cho biết vừa có văn bản báo cáo về tình hình tồn đọng án hành chính đã có hiệu lực, sau khi có chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đoàn Anh Dũng (Công văn số 741, ngày 5.3.2024).

Án hành chính tồn đọng tăng, cao nhất là TP.Phan Thiết

Theo báo cáo, tại thời điểm cuối năm 2023, toàn tỉnh Bình Thuận có 93 bản án hành chính có hiệu lực nhưng mới chỉ thi hành được 21 bản án (đến ngày 25.12.2023), tồn đọng 72 bản án. Trong khi đó, tính đến ngày 31.3.2024, số án hành chính đã có hiệu lực thi hành lên đến 106 bản án, tăng thêm 34 bản án (trong đó 44 bản án đã có quyết định thi hành).

Kết quả giải quyết, đã thi hành xong 28 bản án, còn 78 bản án chưa thi hành. Trong đó, UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận có 5 bản án hành chính đã có hiệu lực phải thi hành (có 1 bản án hành chính thuộc trách nhiệm thi hành của UBND TP.Phan Thiết); Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Bình Thuận 19 bản án; UBND H.Hàm Thuận Bắc 3 bản án; UBND H.Hàm Thuận Nam 3 bản án...

Quỹ đất hai bên đường Võ Nguyên Giáp (tên cũ là 706B) còn tồn nhiều bản án hành chính có hiệu lực chậm được thi hành

Đặc biệt, trong các bản án đã có hiệu lực nhưng chưa được thi hành, nhiều nhất thuộc về UBND TP.Phan Thiết với 42 bản án. Trong số này có đến 36 bản án đang chờ có kinh phí để thi hành.

Cụ thể, 22 bản án thuộc dự án xây dựng công trình đường và quỹ đất 2 bên đường Võ Nguyên Giáp với tổng kinh phí tạm tính hơn 147 tỉ đồng; 10 bản án thuộc dự án khu dân cư Hùng Vương và 2 bản án thuộc dự án Trung tâm huấn luyện thể thao Quốc gia II, tòa buộc UBND TP.Phan Thiết phải thanh toán thêm mức tiền chậm nộp theo quy định của luật Quản lý thuế do chậm chi trả hơn 2,4 tỉ đồng...

Xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức chậm thi hành án

Sở Tư pháp tỉnh Bình Thuận cho biết, sau khi Chủ tịch UBND tỉnh ban hành công văn chấn chỉnh trách nhiệm của các cơ quan tham mưu, các huyện thị, thành phố trong việc cập nhật và triển khai các giải pháp trong thi hành các bản án hành chính có hiệu lực thì công tác này đã có chuyển biến.

Cụ thể, địa phương có nhiều án hành chính nhất là TP.Phan Thiết đã rà soát, phân loại và thi hành được 4 bản án hành chính; Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Bình Thuận tổ chức thi hành xong 21/40 bản án thuộc trách nhiệm thi hành của mình (trong số 28 bản án hành chính thi hành xong).

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Tư pháp, số lượng bản án chưa thi hành còn cao (78/106 bản án, chiếm 73,58%), trong đó nhiều nhất là UBND TP.Phan Thiết (43 bản án, chủ yếu tồn đọng từ trước năm 2022). Cá biệt, có huyện chỉ có 1 bản án, dù không gặp khó khăn nhưng lại chậm thi hành như: UBND H.Bắc Bình, Tuy Phong hay Văn phòng đăng ký đất đai và Phòng TN-MT TX.La Gi.

Các khó khăn khác mà theo đánh giá của Sở Tư pháp như nội dung các bản án phải thi hành chủ yếu liên quan đến công tác thu hồi đất, giải tỏa, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…; trình tự, thủ tục giải quyết phải qua nhiều bước và liên quan đến nhiều cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện nên thời gian thi hành án kéo dài.

Hầu hết các vụ kiện hành chính dẫn đến chính quyền thua kiện liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng

Trong một số vụ, việc xác định nguồn gốc, tính pháp lý về đất đai, áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ tại thời điểm hiện nay rất khó khăn, phức tạp do công tác quản lý đất đai trước đây không chặt chẽ; chính sách, pháp luật đất đai qua các giai đoạn đã có sự thay đổi.

Thời gian tới, để đốc thúc việc thi hành các bản án hành chính đã có hiệu lực, Sở Tư pháp kiến nghị các sở ngành, UBND các địa phương phối hợp chặt chẽ với Cục thi hành án dân sự Bình Thuận để tháo gỡ khó khăn. Bên cạnh đó, kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, cơ quan, tổ chức chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của tòa án theo đúng quy định của pháp luật.